Doanh nghiệp với dự thảo tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ: Lo cho doanh nghiệp ít, lo cho người trồng rừng nhiều

Thứ ba - 02/07/2019 02:06

Doanh nghiệp với dự thảo tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ: Lo cho doanh nghiệp ít, lo cho người trồng rừng nhiều

Dự thảo nghị định tăng thuế suất thuế xuất khẩu dăm gỗ lên 5% của Bộ tài chính nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước đang nhận được những phản hồi và đóng góp từ phía các hiệp hội, cơ quan quản lý khác, và các doanh nghiệp, những người chịu tác động lớn nhất và đã có kinh nghiệm thời điểm thuế xuất khẩu dăm gỗ tăng lên 2%. Dưới đây là ghi nhận của Tạp chí Gỗ Việt về dự thảo tăng thuế suất lên 5% và chính sách tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn của Chính phủ:

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH nguyên liệu giấy Quy Nhơn:

Việc tăng thuế xuất khẩu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành dăm Việt Nam đối với các thị trường xuất khẩu dăm khác, vì phải bán với giá cao hơn mới đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, điều này sẽ làm khách hàng chuyển hướng sang thị trường khác. Hệ lụy là ngành dăm găp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể duy trì hoạt động và phát triển. Theo tôi, việc tăng thuế sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dăm và nặng nề nhất người trồng rừng. Vì nếu phải hạ giá mua nguyên liệu đầu vào, sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến hiệu quả của nghề rừng và thu nhập của người trồng rừng. Nếu việc trồng rừng không còn mang lại hiệu quả, sẽ ảnh hưởng tiêu cự đến mục tiêu quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng, các mục tiêu theo chủ trương của Chính phủ cũng như các chương trình như xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi sinh, môi trường, chống biến đổi khí hậu....

Và đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến nghề rừng và sinh kế ở những huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, bà con, đồng bào dân tộc thiểu số với đại đa số là hộ nghèo và cận nghèo. Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu khảo sát thực tế, chưa nên xử lý phần ngọn là áp thuế hoặc tăng thuế, vì người trồng rừng chưa được hưởng lợi nhiều từ việc phát triển rừng, vì thường xuyên gánh chịu hậu quả do khách hàng nước ngoài ép giá, thiên tai bão lũ, nếu chịu thêm thuế xuất khẩu thì nghề rừng ở những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, bà con đồng bào dân tộc thiểu số, ... (đại đa số là hộ nghèo, cận nghèo) khó có cơ hội phát triển. Chính phủ cần có sự chỉ đạo các bộ ban ngành có đánh giá tác động của việc áp, tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ để có lộ trình tăng thuế phù hợp, không để tác động tiêu cực đến diện tích rừng trồng và người trồng rừng. Về chính sách tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn, theo tôi, các cơ quan quản lý cần thực hiện được yếu tố quyết định đầu tiên là người trồng rừng thực sự là chủ rừng được giao đất, giao rừng, cấp quyền sử dụng đất lâu dài, vì đây là điều kiện để tiến hành cấp chứng chỉ rừng FSC, FM, PEFC,… Và giải quyết bài toán vốn, ưu đãi tín dụng để người dân trồng rừng gỗ lớn.

p1060522

Ông Võ Ngọc Long, Giám đốc Công ty TNHH chế biến dăm gỗ Đại Thắng Ninh Tây:

Tôi nhận thấy rằng, kể từ thời điểm thuế xuất khẩu dăm gỗ tăng từ 2% vài năm trước, hoặc có thể tăng lên 5% trong thời gian tới nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ mà tác động chủ yếu tới người dân trồng rừng. Điều này không khuyến khích người trồng rừng phát triển diện tích trồng mà ngược lại sẽ khai thác ồ ạt diện tích trồng rừng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro khi nhà nước tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ. Chúng ta biết rằng, chu kỳ đầu tư trồng rừng mất khoảng từ 5 đến 7 năm, bao gồm nhiều công đoạn trồng, quản lý, chăm sóc và công tác phòng chống cháy rừng, do vậy nếu tăng thuế lên 5% sẽ có nhiều rủi ro, diện tích trồng rừng hầu hết tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, có địa hình núi cao, vận chuyển khó khăn và tốn kém nhiều chi phí khai thác. Chính vì vậy người trồng rừng cần nhà nước có chính sách ổn định để an tâm đầu tư và phát triển rừng bền vững. Việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trồng rừng, ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu về độ che phủ rừng từ 41,6% lên 45% của Thủ tướng Chính phủ. Và nếu làm tốt được chính sách tạo nguyên liệu gỗ lớn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng rừng. Rừng gỗ lớn thì hàm lượng cellulose cao làm cho chất lượng và năng suất dăm gỗ đạt hơn so với khai thác rừng gỗ nhỏ.

Ông Nguyễn Nị, Giám đốc Công ty TNHH nguyên liệu giấy Dung Quất:

Trước hết, nói đến giá trị xuất khẩu dăm gỗ, là nói đến người trồng rừng, nên nếu đánh thuế 5%, những người chịu ảnh hưởng đầu tiên là hộ dân tham gia trồng rừng chứ không phải là doanh nghiệp chế biến. Các doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn trong thời gian đầu vì hàng tồn kho và các hợp đồng đã kí trước. Tuy nhiên sau đó sẽ phải cân đối lại để giảm giá thu mua phải trả cho người trồng rừng. Về lâu dài giá thành cao sẽ làm các công ty thu mua ngoài nước tìm kiếm thị trường khác tốt hơn, giá rẻ hơn để mua, lúc đó lượng cầu sẽ giảm. Theo tôi, nếu tăng thuế 5% thì thu nhập người trồng rừng sẽ giảm, chắc chắn rằng sẽ ảnh hưởng đến chương trình mục tiêu quốc gia 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Trong khi đó, nên tập trung vào chính sách tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn, vì đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn sẽ giúp chủ động nguồn nguyên liệu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn gỗ chất lượng cao phục vụ sản xuất chế biến gỗ tinh chế xuất khẩu, giải quyết được nhu cầu lao động về việc làm, trong nước. Việc khuyến khích trồng rừng gỗ lớn tạo nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ là phù hợp với tất cả các doanh nghiệp  chế biến gỗ trong nước, nó bao gồm cả chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Vì trên thực tế gỗ già, lớn chất lượng tốt sẽ tăng lợi nhuận trong sản xuất chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, việc sử dụng cây gỗ lớn để chế biến các sản phẩm từ gỗ làm ngành chế biến gỗ từ gỗ rừng trồng phát triển, các doanh nghiệp đủ tự tin  đưa hàng  Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.

p1060075 1

Ông Phan Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phẩn lâm sản PISICO Quảng Nam:

Theo tôi, nếu tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 2% lên lên 5% thì dự toán thu ngân sách nhà nước tăng 897 tỉ đồng nhưng hãy xem xét cẩn trọng, ai mới là đối tượng chịu thuế cuối cùng, nếu không phải đại đa số hàng triệu hộ nghèo, cận nghèo tham gia nghề rừng, có tác động tiêu cực đến các chương trình, mục tiêu quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng và các chương trình mục tiêu quốc gia như xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường - môi sinh bền vững, biến đổi khí hậu hay không. Tôi cho rằng, chúng ta không nên phủ nhận và quy kết xuất khẩu dăm gỗ là xuất thô, giá trị kinh tế thấp, … vì cùng với cây mía, cây mì, cây Keo góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2012 đến nay, hàng triệu hộ trồng rừng thuộc diện nghèo và doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ luôn thấp thỏm lo âu bị áp thuế, tăng thuế. Đỉnh điểm là áp thuế 2% từ ngày 01/01/2016, nhân cơ hội này khách hàng đè bẹp giá xuất khẩu dăm gỗ 3 năm liền. Đó là khó khăn chung cho tất cả các thành phần liên quan đến ngành dăm gỗ. Theo tôi, không nên dùng hàng rào thuế (áp thuế, tăng thuế) mà hãy tìm ra câu trả lời, tại sao người trồng rừng không để gỗ lớn? Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương có đánh giá tác động của việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ để có lộ trình tăng thuế phù hợp, không để tác động tiêu cực đến diện tích rừng trồng và người trồng rừng.

p1060110

Tác giả bài viết: DONA JSC TỔNG HỢP

Nguồn tin: goviet.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây