Bình Thuận xin đưa dự án điện mặt trời Hồng Phong 8 vào quy hoạch

Thứ sáu - 07/09/2018 02:19
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép thẩm định, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 8, công suất 100MW.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, thực hiện Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1061/QĐUBND ngày 15/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về phê duyệt Đề án “Trung tâm Năng lượng tỉnh Bình Thuận”, UBND tỉnh Bình Thuận đã kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và triển khai lập các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Nhằm tạo điều kiện cho dự án nhà máy điện mặt trời sớm hoàn chỉnh các thủ tục, triển khai đầu tư xây dựng, đối với các dự án lập xong Đề án điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có Tờ trình số 3386/TTr-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2018 đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung vào đồng bộ trong danh mục Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 8 (100 MWp) xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận của Công ty TNHH Đầu tư Greenergy.

Theo đánh giá, dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 8 phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của Bình Thuận, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển điện mặt trời của tỉnh Bình Thuận đang trình Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 8 hình thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch, một trong những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Bình Thuận.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Nhà đầu tư triển khai đầu tư dự án nêu trên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ Công Thương tiếp tục thẩm định, phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 8 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030, làm cơ sở để nhà đầu tư triển khai các thủ tục tiếp theo và sớm khởi công dự án.

Theo nguồn tin của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước, số giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, bức xạ nhiệt ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện mặt trời.

Theo tính toán, Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận, tổng công suất tiềm năng quy hoạch là 5.321,5MWp.

Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 828 MW, với sản lượng điện tương ứng khoảng 1.270 triệu kWh. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 2.642 MW, với sản lượng điện tương ứng xấp xỉ 4.055 triệu kWh. Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 4.520 MW, với sản lượng điện tương ứng khoảng 6.936 triệu kWh.
Robot vệ sinh pin Solar chuyên dụng:

Tác giả bài viết: TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 60 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây