Thách thức trong điều hành hệ thống điện Việt Nam (Phần 2)

Thứ sáu - 16/11/2018 20:58

Thách thức trong điều hành hệ thống điện Việt Nam (Phần 2)

PV Tạp chí Điện lực có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) xoay quanh vấn đề này.

PV: Việc xây dựng hệ thống dự báo năng lượng tái tạo có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Đây là hệ thống hoàn toàn mới, A0 chưa có nhiều kinh nghiệm, công tác triển khai cũng gặp rất nhiều thử thách. Bên cạnh đó, ngoài nỗ lực của A0, cần có sự tham gia của các đơn vị khác như, đơn vị cung cấp dịch vụ dự báo khí tượng có chất lượng cao, đảm bảo độ tin cậy, đơn vị sở hữu nhà máy NLTT...

Hiện nay A0 đang tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và khu vực về dự báo NLTT; cử các chuyên viên, kỹ sư tham gia hội nghị, hội thảo và các lớp đào tạo chuyên sâu về dự báo; kết nối với các nhà cung cấp giải pháp, cơ sở hạ tầng dự báo công suất NLTT để tìm hiểu và đặt vấn đề xây dựng hệ thống dự báo tại cơ quan A0.

Đồng thời, A0 cũng chủ động xây dựng yêu cầu kỹ thuật triển khai dự báo, tìm kiếm các đơn vị cung cấp dịch vụ dự báo khí tượng trong và ngoài nước, đảm bảo có thể cung cấp thông tin dự báo bức xạ, nhiệt độ, tốc độ gió… phục vụ lập kế hoạch và điều độ hệ thống điện; kiến nghị Tập đoàn, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương về việc điều chỉnh, bổ sung các Thông tư, quy trình, quy định về nghĩa vụ đầu tư hệ thống quan trắc, dự báo, bổ sung danh mục các tín hiệu cần cung cấp về các cấp Điều độ.

PV: Với tính bất ổn nguồn phát của NLTT, việc xây dựng hệ thống dự báo NLTT đã đủ để đảm bảo hệ thống điện quốc gia được vận hành an toàn, ổn định chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Đây chỉ là một trong những yếu tố cần thiết để Điều độ quốc gia chủ động trong việc lập kế hoạch huy động nguồn điện tại từng thời điểm. Tuy nhiên, để vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế khi NLTT phát triển, còn rất nhiều việc phải làm.

A0 cũng đang tập trung kiện toàn quy định và tổ chức điều khiển tần số hệ thống điện hiện tại. Cụ thể, đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực cập nhật phương pháp luận xác định lượng công suất điều tần và dự phòng quay, theo hướng có tính toán cụ thể và chi tiết hơn cho các chế độ vận hành lưới điện; rà soát hiện trạng điều khiển tần số trên hệ thống, phối hợp với các đơn vị phát điện toàn quốc thí nghiệm hiệu chỉnh hệ thống tự động điều khiển tần số, điện áp; yêu cầu cài đặt thông số và đưa vào vận hành.

A0 cũng tiến hành nghiên cứu các phương án điều khiển tần số, điện áp mới trên hệ thống điện để hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ nghiên cứu các hệ thống tích trữ năng lượng... tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới có nguồn NLTT phát triển.

PV: Cùng với nỗ lực của ngành Điện nói chung, A0 nói riêng, theo ông, Nhà nước cũng như chủ đầu tư cần phải làm gì trong việc đảm bảo an ninh hệ thống điện khi NLTT đi sâu trong hệ thống?

Ông Nguyễn Đức Cường: Các chủ đầu tư cần tuân thủ các tiêu chuẩn quy định trong việc lựa chọn thiết bị đầu tư nhà máy điện mặt trời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp điều độ trong việc thoả thuận kỹ thuật, đóng điện điểm đấu nối, thử nghiệm nghiệm thu và vận hành thương mại. Đặc biệt, cần lựa chọn các khu vực có khả năng giải toả công suất để phát triển dự án...

Với các cơ quan nhà nước, cần sớm ban hành quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp quốc gia, trong đó cần xem xét kỹ các vấn đề về khả năng giải toả công suất, các yêu cầu kỹ thuật đi kèm cơ chế khuyến khích, tỷ trọng NLTT phù hợp, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông! 
ROBOT VỆ SINH PIN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây